Kiến thức

Bạc 925 Là Gì?

bạc 925 là gì

Bạc 925 hay còn gọi là Bạc Ý là món trang sức rất phổ biến, rất được ưa chuộng. Nhưng cũng rất nhiều hiểu nhầm xung quanh chất liệu này. Hãy để Junie giải đáp cho bạn tất cả những điều bạn cần biết về bạc 925 nhé.

Bạc 925 Là Gì?

Thuật ngữ bạc 925 được dùng để chỉ hợp kim bạc bao gồm 92.5% thành phần là bạc nguyên chất (bạc ta hay bạc 9999) và 7.25% gồm các hợp kim khác giúp cho tăng đặc tính cứng, bóng,... của hợp kim giúp cho quá trình chế tác dễ dàng hơn, tinh xảo hơn từ đó khiến cho trang sức bạc 925 luôn được ưa chuộng.

Mặc dù tên gọi là S925 nhưng trong chế tác, tỉ lệ này không phải lúc nào cũng đúng là 92.5% bạc, có thể sai khác 0.5-1% và vẫn được gọi là bạc 925.

Tên Gọi Thường Gặp

Bạc 925 là một trong số các tên gọi thường gặp của loại bạc này ở Việt Nam, tuy nhiên còn có các tên gọi khác để cùng chỉ bạc 925, trong đó có thể kể đến:

  • Bạc Ý (bạc Italia): tên này thường được dùng khi bạn tới cửa hàng kim hoàn và để phân biệt với bạc ta.

  • S925: đây là tên viết tắt được sử dụng rộng rãi trên thế giới của loại bạc này.

  • Sterling Silver: tên gọi này thường được sử dụng bởi Mỹ và các nước châu Âu cũng như ở quốc tế (lưu ý: tên gọi này được sử dụng chung cho các loại hợp kim bạc nhưng phần lớn là để nói đến bạc 925).

Ngoài ra các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đôi khi đặt một tên riêng cho sản phẩm bạc 925 của họ để tăng tính thương hiệu và quảng bá.

Cũng giống như vàng, bạc cũng có “tuổi”. Thuật ngữ tuổi ở đây được dùng để ám chỉ phần trăm lượng bạc nguyên chất có trong hợp kim. Tuy nhiên thuật ngữ “tuổi” chỉ được dùng phổ biến trong ngành chế tác và giữa các nghệ nhân với nhau.

Kim Loại Pha Trộn Với Bạc

Thành phần 7.25% hợp kim còn lại để tạo nên bạc 925, các nghệ nhân và xưởng bạc gọi đó là “hội 925”.

Các xưởng thường không phải là người làm ra loại hội này mà hội thường là kết quả nghiên cứu của các tập đoàn, công ty chế tác và phòng thí nghiệm về kỹ thuật kim hoàn lớn.

Để tạo ra một loại hội mà khi pha trộn với bạc tạo ra đặc tính mong muốn, các công ty lớn phải bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng đi tới sản xuất hàng loạt và cung cấp tới tay các xưởng, nghệ nhân để pha trộn ra được bạc 925.

Các loại hội này cũng được phân chia ra tùy theo mục đích của sản phẩm được chế tác. Ví dụ để tạo ra được những đôi bông tai rất cầu kỳ và tinh xảo, phải sử dụng loại hội tăng đặc tính cứng của hợp kim bạc. Nhưng nếu muốn sáng bóng và chống xước thì lại phải sử dụng một loại hội khác.

Nguồn Gốc, Xuất Xứ

Bạc 925 có nguồn gốc từ Châu Âu và được sử dụng trong buôn bán từ thế kỷ 12 ở khu vực nay thuộc vùng Bắc nước Đức.

Tới năm 1275, bạc 925 mới được định nghĩa và công nhận hợp pháp tại Vương Quốc Anh bởi vua Edward I, tuy nhiên vào thời gian này bạc 925 chưa có nhiều ứng dụng vào cuộc sống.

Vào khoảng giữa năm 1634 và 1776, các nghệ nhân bạc ở các thuộc địa Mỹ là những người góp công phổ biến đưa bạc 925 (chủ yếu là hợp kim bạc và đồng) vào các đồ vật trong gia dụng như cốc cafe hay chén bát,... Thậm chí, bạc 925 thời đó còn được dùng để giao dịch như một loại tiền tệ phổ biến không kém gì bạc nguyên chất.

Nếu như ở những giai đoạn trước, hợp kim bạc 925 chỉ được sử dụng cho những đồ vật kích thước lớn thì tới cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, kỹ thuật chế tác bạc tại Mỹ và Châu Âu đã đạt tới một bước tiến mới và có thể chế tác ra những đồ dùng nhỏ và mỏng hơn nhiều ví dụ như thìa, đĩa, nĩa cafe làm từ bạc 925. Nhưng tới Thế Chiến Thứ II, chi phí nhân công tăng khiến cho việc sở hữu những đồ bếp tinh xảo bằng bạc 925 trở nên đắt đỏ và chỉ dành cho những người giàu.

Tới cuối thế kỷ 20, kỹ thuật chế tác tiến bộ vượt bậc một lần nữa, khi này bạc 925 mới được ứng dụng để làm những đồ vật rất nhỏ và tinh xảo như nhẫn, bông tai, dây chuyền và các loại trang sức.

So Sánh Bạc 925 Với Bạc Ta

Bạc ta là thuật ngữ được dùng ở Việt Nam để chỉ loại bạc nguyên chất (chứa trên 99.99% là bạc hay gọi tên khác là bạc 9999).

Bạc 925 Dùng Lâu Sẽ Bị Đen?

Vì là hợp kim của bạc và có thành phần tới hơn 90% nên bạc 925 sở hữu hầu hết các đặc tính của bạc ta. Các hợp kim pha vào chỉ nhằm tăng đặc tính vật lý cần thiết của bạc như độ cứng và sáng, bóng chứ không thay đổi được thành phần và tính chất hóa học của bạc.

Trong các đặc tính hóa học của bạc có thể kể đến thường thấy nhất đó là hiện tượng bạc bị đen qua quá trình sử dụng. Thật ra đây là quá trình bạc (Ag) phản ứng với lưu huỳnh (S) thường thấy trong mồ hôi, nước bể bơi, nước máy hay hóa chất có chứa lưu huỳnh nói chung.

Dù là bạc ta hay bạc 925 thì đều có thể “bị đen” do phản ứng hóa học nói trên vì đó là đặc tính hóa học của bạc. Hiểu nhầm về việc bạc 925 dùng lâu sẽ bị đen là bạc không chất lượng là một hiểu lầm thường thấy của người đi mua trang sức. Dù bạn đeo bạc ta hay bạc 925 hoặc bạc 975 (hợp kim 97.5% là bạc) thì cũng đều bị đen qua thời gian như nhau vì đó cơ bản đều là bạc.

Bạc 925 Và Bạc Ta, Bạc Nào Đẹp Hơn?

Cả hai loại đều có những chỗ đứng nhất định trong lòng người mua và sử dụng bạc. Trong khi bạc ta, theo dân gian thường được dùng để tránh tà, tránh độc thì với đặc tính mềm của bạc bạc ta khó có thể chế tác ra những sản phẩm tinh xảo với hình thù cầu kỳ.

Bạc ta thường được làm vòng tay, kiềng đeo cho trẻ em để “tránh gió” hoặc làm dây chuyền. Nhìn chung bạc ta thường chỉ được dùng để chế tác những hình thù đơn giản và lớn.

Để khắc phục các khuyết điểm của bạc nguyên chất (bạc ta), người ta đã pha trộn các kim loại khác vào bạc để tăng cường khả năng vật lý của bạc như độ cứng, sáng bóng, khó xước,... Từ đó chúng ta có những sản phẩm bạc không những tinh xảo mà còn sáng bóng và đẹp một cách cuốn hút.

Cách Nhận Biết Bạc 925 Thật

Thị trường trang sức ở Việt Nam hiện nay xuất hiện rất nhiều cửa hàng, shop bán trang sức bạc 925 nhưng để tối ưu chi phí, có thật sự họ đang bán bạc 925 không? Điều đó bạn có thể kiểm chứng bằng một trong những cách sau:

Giá Cả

Điều đầu tiên dễ nhận biết nhất đó chính là về giá. Nếu bạn tìm hiểu sâu hơn một chút thì sẽ thấy giá thành nguyên liệu của một đôi bông tai bạc 925 không thể dưới 30-40K được (tùy theo kích thước), đó là chưa tính tới tiền công và tiền lãi của shop. Do vậy nếu có ai bán cho bạn một đôi bông tai với giá 25K-35K và bảo đó là bạc 925 thì không thể nào là thật được.

Ngoài ra với các sản phẩm khác sử dụng nhiều bạc hơn như nhẫn, dây chuyền, lắc tay,... giá thành nguyên liệu sẽ cao hơn nhiều do vậy với mức giá dưới 100K cho một món trang sức bạc 925 là điều đáng phải nghi ngờ.

Kiểm Tra Độ Xỉn Màu

Như đã giải thích ở trên, bạc để lâu thường sẽ xỉn màu nên nếu khi bạn đi mua trang sức mà thấy màu bị xỉn/đen, đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đây là một món trang sức bạc chuẩn. Để đánh sáng lại cũng rất dễ và gần như không mất tiền.

Ký Hiệu Trên Trang Sức

Một số xưởng hay nghệ nhân chế tác thường sẽ đóng dấu S925 lên trang sức (với bông tai thì ở phần chuôi và với nhẫn thì ở mặt bên trong). Chi phí đóng dấu cũng không hề rẻ nếu tính trên giá thành làm ra một món trang sức do vậy nếu nơi nào bán trang sức bạc 925 mà có dấu, điều đó là dấu hiệu cho thấy họ cẩn thận và tỉ mỉ với sản phẩm họ làm ra.

Phản Ứng Hóa Học

Nếu như các phương pháp khác cho kết quả mang tính tương đối thì thử phản ứng hóa học sẽ cho kết quả gần như tuyệt đối. Cách thử như sau: 

Chuẩn bị lọ dung dịch Acid Nitric, thả món trang sức bạc 925 vào dung dịch, nếu món trang sức không đổi màu thì đó là bạc thật còn nếu đổi sang màu nâu hoặc xanh lục thì món trang sức đó chỉ chứa tối đa 80% là bạc (và không được gọi là bạc 925).

Tuy cách này mang lại kết quả chính xác nhất nhưng lại không thực tế để thực hiện, nhất là khi bạn đi mua trang sức ở tiệm phải không nào.

Cách Khác

Ngoài những cách phổ biến kể trên thì dân gian và truyền miệng cũng có nhiều cách khác để kiểm tra trang sức làm từ bạc. Ví dụ ngửi bạc, kiểm tra độ “mát”, ”lạnh” của bạc, chà lên vải trắng để xem có đen không, nghe âm thanh,... Tuy nhiên những cách này mang lại độ chính xác không cao và cũng phải là người có kinh nghiệm cảm nhận và biết được.

Tại Sao Có Trường Hợp Đeo Bạc 925 Bị Dị Ứng, Mẩn Ngứa?

Bản chất bạc và thành phần hội (các hợp kim pha vào) để tạo nên bạc 925 thì đều không độc hại và rất an toàn.

Với các trang sức bạc có mạ (xi) vàng (14K hoặc 18K) cũng vậy, bạc và vàng đều không độc hại nên thành phần kim loại của món trang sức đó dù mạ hay không đều không gây dị ứng hoặc mẩn ngứa được.

Các trường hợp dị ứng hoặc ngứa khi đeo trang sức thường do một trong các nguyên nhân sau:

Quy Trình Chế Tác

Trong quy trình chế tác để làm cho lớp mạ và màu của trang sức được bền hơn cũng như hạn chế bị đen khi sử dụng, một số xưởng sẽ phủ một lớp chất hóa học (điều này được giữ kín bởi các xưởng) lên bền mặt của trang sức để giúp cho trang sức bền màu, dễ dàng bảo quản. Nhưng thật không may, các thành phần hóa học của lớp phủ này lại đa phần gây hại cho người đeo, nhất là với những người có làn da dễ dị ứng.

Rất khó để kiểm chứng và tránh được những mẫu trang sức có lớp phủ độc hại này, thậm chí chính người bán khi họ nhập sản phẩm về cũng không rõ về quy trình của xưởng. Do vậy cách tốt nhất hãy lựa chọn những sản phẩm của các shop, cửa hàng có uy tín và họ biết rõ về xưởng sản xuất ra sản phẩm của mình.

Quá Trình Bảo Quản

Trong quá trình sử dụng, nếu không bảo quản trang sức cẩn thận và để ở ngoài môi trường lâu ngày, món trang sức bạc 925 của bạn rất dễ bị bụi bẩn cũng như tiếp xúc với các hóa chất không tốt. Khi bạn đeo lên sẽ khiến cho da bị kích ứng, sinh ra mẩn ngứa, đặc biệt với các bạn có da nhạy cảm.

Cách phân biệt trường hợp này đó là bạn dùng khăn khô lau thật sạch món trang sức và đeo lại nếu không thấy bị ngứa nữa thì đó chắc chắn do lớp bẩn bám lên trang sức.

Để tránh trang sức tiếp xúc với các hóa chất dễ gây kích ứng da cũng như để trang sức bạc 925 được bền màu, bạn nên đầu tư một chiếc hộp đựng kín, có nắp.

Các Sản Phẩm Từ Bạc 925 Và Giá Trang Sức Bạc 925

Hợp kim Bạc 925 do có đặc tính vượt trội so với bạc ta nên mang lại cho các nhà chế tác bạc khả năng sáng tạo tối đa về trang sức. Sản phẩm bạc 925 rất phong phú về loại (nhẫn, dây chuyền, bông tai,...) cũng như hình dáng, kích thước và màu sắc.

Bông Tai Bạc 925

Đây là dòng sản phẩm có số lượng mẫu mã phong phú nhất do hình dáng đa dạng, dễ đeo và giá thành lại rẻ nhất trong số các sản phẩm chế tác từ bạc 925.

Giá thành của một đôi bông tai bạc 925 có thể dao động từ 80K cho tới 300K tùy theo mẫu mã, thương hiệu. Hãy cẩn thận với những mẫu có giá thành rẻ dưới 50K vì rất có thể chỉ có một thành phần của bông tai được làm từ bạc 925 (thường là chuôi đeo) hoặc không có một chút bạc nào hết.

Nhẫn Bạc 925

Trong khi bông tai thường nhắm tới các bạn nữ thì nhẫn lại là một sản phẩm được ưa chuộng bởi cả hai giới và có rất nhiều sản phẩm unisex. Mẫu mã của nhẫn hạn chế hơn rất nhiều so với bông tai do chỉ có một vài hình dáng chủ yếu và khác nhau về họa tiết.

Giá của một chiếc nhẫn bạc 925 thường cao hơn so với bông tai và dao động từ 150K tới 500K tùy theo thương hiệu và mẫu mã.

Dây Chuyền Bạc 925

Dây chuyền cũng là sản phẩm không thể thiếu trong bộ trang sức của cả nam & nữ, hơn nữa dây chuyền làm từ bạc 925 lại sáng, bền, đẹp kèm theo giá cả rất phải chăng so với các vật liệu khác.

Mẫu mã của dây chuyền bạc 925 thường khác nhau về kiểu dáng dây và hình dáng của mặt dây chuyền.

Do lượng bạc sử dụng rất khác nhau giữa các sản phẩm nên giá thành của dây chuyền bạc 925 cũng dao động lớn trong khoảng 150K với sản phẩm đơn giản cho tới hơn 1tr với những sản phẩm cao cấp và tinh xảo.

Cách Bảo Quản Trang Sức Bạc 925

Tùy theo các bạn sử dụng trang sức bạc 925 mà sẽ hơi khác nhau một chút về cách bảo quản nhưng có một số quy tắc chung, chủ yếu liên quan tới đặc tính của bạc.

Nếu Bạn Thường Xuyên Đeo Trang Sức

Với việc thường xuyên đeo trang sức, mẫu trang sức bạc 925 của bạn sẽ ít khi tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nhưng vẫn cần cẩn thận nếu bạn là người có tuyến mồ hôi muối vì lưu huỳnh trong mồ hôi sẽ tác dụng với bạc tạo nên lớp oxi hóa màu đen bám lên mặt trang sức. Một số lời khuyên cho bạn như sau:

  • Hãy tháo trang sức ra mỗi một hoặc vài ngày để lau bằng khăn khô, điều này chỉ mất 1-2 phút nhưng giúp cho trang sức bền màu gấp nhiều lần.

  • Hạn chế đeo trang sức khi tắm hoặc đi biển, hồ bơi vì nước máy hoặc nước biển, hồ bơi có chứa hàm lượng chất hóa học cao khiến cho trang sức dễ bị đen.

  • Nếu vào trời mùa hè và cơ thể bạn ra nhiều mồ hôi, hãy lau trang sức thường xuyên hơn hoặc tháo ra mỗi khi tập thể dục thể thao.

Bạn Thỉnh Thoảng Mới Đeo Và Thường Đeo Theo Dịp

Cách đơn giản để bảo quản trong trường hợp này đó là bạn hãy sắm cho bộ trang sức của mình một chiếc hộp kín có nắp gài. Bản thân món trang sức bạc 925 khi để trong hộp và chỉ tiếp xúc với không khí bình thường cũng đã bền màu được hàng năm trời rồi.

Chiếc hộp bảo quản này không cần cầu kỳ là hộp trang sức nếu bạn không muốn sắm sửa thêm cũng như trưng bày trong hộp kính chuyên dụng. Bạn có thể sử dụng chính những chiếc hộp bảo quản đồ ăn để bảo quản trang sức cũng được, miễn sao có nắp gài là được.

Hãy Thoải Mái

Trang sức sinh ra để làm đẹp cho người đeo, bạn hãy thoải mái và đừng cố gây áp lực cho bản thân về việc bảo quản sao cho món trang sức này phải dùng được mãi mãi. Nếu bạn thấy quá phiền phức và không phù hợp với lối sinh hoạt của bản thân, hãy cứ dùng theo cách bạn muốn.

Trên đây là những gì bạn cần biết về bạc 925, một chất liệu mang tính cách mạng trong ngành bạc và trang sức bạc nói riêng cũng như ngành kim hoàn nói chung. Hãy lựa chọn cho mình một món trang sức bạc 925 thật đúng chuẩn và tỏa sáng nhé!

Đọc tiếp

cách làm sáng bạc 925

Để lại bình luận

Bình luận sẽ được kiểm duyệt trước khi hiển thị.

Trang web này được bảo vệ bằng reCAPTCHA. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tưĐiều khoản dịch vụ của Google.