Nếu nàng đang có ý định xỏ khuyên tai, thì bài viết này là tín hiệu vũ trụ gửi đến nàng. Xỏ khuyên chỉ mất vài phút, nhưng quá trình chuẩn bị có lẽ sẽ kéo dài hơn rất nhiều. Junie đã tổng hợp những điều cần biết khi xỏ khuyên tai, đủ đầy thông tin quan trọng giúp nàng tự tin hơn vào quyết định của mình.
Xỏ Khuyên Khác Bấm Khuyên Ra Sao?
Top 1 những điều cần biết khi xỏ khuyên tai là phân biệt 2 thủ thuật thường gặp. Nhiều người nói rằng, xỏ khuyên và bấm khuyên chẳng phải là 1 sao, tuy nhiên nếu bạn giữ nhận định này khi bước vào tiệm xỏ, bạn rất có thể mắc sai lầm.
Bấm khuyên là hình thức sử dụng súng bấm, chuyên dùng để tạo lỗ tai cơ bản. Bấm khuyên bị lầm tưởng là dễ dàng và an toàn, bởi có khi chỉ cần bạn ngồi vào ghế, chớp mắt 2 cái là hoàn thành rồi. Tuy nhiên phương pháp này lại dễ gây đau đớn hơn do lực tác động từ lò xo rất mạnh làm tổn thương các mô tai.
Trong khi đó xỏ khuyên cần nhiều kỹ thuật và thời gian thực hiện hơn. Ở hình thức này, người thợ sẽ sử dụng kim chuyên dụng có 1 đầu cực sắc, đủ để xuyên qua tai êm ái và tất nhiên phải được xử lý vệ sinh theo quy chuẩn y tế. Vì phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề thợ mà hình thức xỏ khuyên chuyên trị những ca khó, giá thành cũng nhỉnh hơn bấm khuyên.
Nếu phải chọn, Junie đề xuất cho nàng lựa chọn xỏ khuyên để đảm bảo an toàn sức khỏe. Điều quan trọng là chuẩn bị thật kỹ kiến thức về vị trí xỏ cũng như tìm hiểu địa chỉ uy tín để giao phó niềm tin.
Các Vị Trí Xỏ Khuyên Thường Gặp
Nàng đã có dự định gì cho vị trí xỏ khuyên mới chưa? Không phải lỗ xỏ nào cũng giống nhau, việc lựa chọn vị trí đặt khuyên sẽ quyết định rất nhiều đến khả năng hồi phục, cách vệ sinh cũng như chi phí. Cùng tham khảo các vị trí xỏ khuyên được xếp hạng tăng dần theo mức độ “sát thương” nhé!
Lỗ Xỏ Cơ Bản
Những lỗ xỏ cơ bản sẽ phù hợp với các nàng newbie, người ít có khả năng chịu đau hay chưa từng “chinh chiến” với bộ môn chơi khuyên.
1. Lobe
Đây là lỗ xỏ truyền thống ở vùng dái tai. Hầu như cô gái nào cũng sẽ có 1 lỗ xỏ ở đây. Nếu xỏ khuyên lobe, nàng sẽ có lỗ xỏ nhỏ nhắn, tính thẩm mỹ cao hơn so với bấm khuyên.
2. Double/Triple Lobe
Vị trí chếch lên trên xo với lỗ lobe chính giữa dái tai. Vị trí càng cao thì phần thịt càng mỏng, cảm giác đau cũng sẽ tăng dần. Tuy nhiên nhìn chung 2 hay 3 lỗ lobe vẫn khá đơn giản, chỉ nhói nhẹ như kiến cắn và cũng lành rất nhanh.
3. Helix
Lỗ xỏ khuyên vành tai có độ phổ biến ngang ngửa Lobe. Nếu nàng vẫn muốn trông thật sành điệu mà không phải trải qua cảm giác “tim đập chân run” thì có thể thử Helix xem sao.
4. Double/Triple Helix
Vị trí vành tai cũng sẽ dành ra vài khoảng trống để nàng thỏa sức vẽ cá tính với các lỗ xỏ mới. Tuy nhiên đây là phần sụn mỏng dễ xuất hiện rủi ro, sẽ cần nàng lưu tâm, chăm sóc nhiều hơn.
Lỗ Xỏ Nâng Cao
Dành cho các chiến binh dũng cảm đã quen với cảm giác “kiến cắn” của kim xỏ khuyên, những lỗ xỏ nâng cao nào sẽ phù hợp cho nàng thử sức?
1. Conch
Xỏ khuyên conch được thực hiện ở phía sụn tai trong, khá nhỏ và khó xỏ, đòi hỏi người thợ tinh mắt và không được run tay. Lỗ xỏ này không quá hầm hố, thích hợp với những chiếc khuyên nhỏ tạo sự cá tính vừa đủ.
2. Flat
Lỗ xỏ sụn phẳng tai trong Flat hấp dẫn mọi ánh nhìn với vị trí phía trên tai. Tuy nhiên flat cũng được đánh giá là độ khó ⅗ vì có phần sụn cứng đầu khó xuyên qua.
3. Tragus
Cấu trúc tai được chia thành 2 phần: tai trong và tai ngoài. Phần tai trong cũng có thể là vị trí khoe trang sức hứa hẹn nếu nàng dám thử thách. Lỗ xỏ Tragus khá khó thực hiện do vị trí hiểm hóc, đòi hỏi nàng phải vệ sinh đều đặn nếu không muốn bị nhiễm trùng.
4. Rook
Các nàng nổi loạn chắc chắn sẽ mê lỗ rook với vị trí xuyên ngang phần sụn kép tai trong. Tuy nhiên nàng hãy chuẩn bị tinh thần đánh đổi bởi lỗ rook không dễ chơi và cũng cần nhiều can đảm khi thực hiện.
5. Daith
Lỗ xỏ sụn sâu nhất ở đầu vành tai chính là daith. Có thể nói không lỗ xỏ nào khó vệ sinh bằng lỗ daith khi vị trí này có thể trở thành “hố đen” hút bụi.
6. Indus
Kỹ thuật tạo lỗ đối xứng 2 bên vành tai và sử dụng khuyên dài nối ngang được gọi là Indus. Tạo hình của khuyên Indus xứng danh điểm 10 khi nhìn từ xa đã thấy độc đáo, và tất nhiên can đảm xỏ x2 lỗ cũng xứng đáng được vỗ tay.
Những Lưu Ý Khi Xỏ Khuyên Cho Nàng Newbie
Xỏ khuyên chính xác là thủ thuật thẩm mỹ trên cơ thể, do đó chắc chắn không có chuyện xỏ khuyên không đau. Da thịt chúng ta đều vô cùng quý giá dù nằm ở bất kỳ vị trí nào, vậy nên kể cả nàng đã từng xỏ khuyên hay chưa thì việc chuẩn bị kiến thức cũng là cần thiết. Junie đã tổng hợp các câu hỏi thường gặp để giải đáp cho nàng đây!
1. Mới Xỏ Khuyên Tai Nên Đeo Gì?
Ở nhiều địa chỉ xỏ khuyên, người ta sẽ cho nàng chọn loại khuyên yêu thích trước, sau đó mới tiến hành xỏ và đeo luôn khuyên mới. Tuy vậy Junie phải lưu ý cho nàng rằng lỗ xỏ khuyên sẽ nhỏ hơn lỗ bấm, vì vậy nàng nên chọn những loại khuyên có chân chốt và kích cỡ nhỏ, tránh việc kéo vết thương nặng thêm.
Chất liệu khuyên cũng đóng vai trò quan trọng. Việc đổ máu xíu xiu sau khi xỏ khuyên là không tránh khỏi, vết thương hở lại càng dễ kích ứng nên việc chọn chất liệu thân thiện như vàng, bạc nguyên chất, titan cao cấp,... là ưu tiên hàng đầu. Nàng có thể không quá quan tâm đến 1 chiếc khuyên “giữ chỗ” nhưng đừng quên để ý chất liệu trước nhé!
2. Làm Sao Để Xỏ Khuyên Không Nhiễm Trùng?
Nỗi lo nhiễm trùng như con giun trong lòng nàng, khiến nàng mãi không dám thử thách bản thân xỏ 1 chiếc khuyên mới? Nếu nàng đã đọc đến đây rồi thì hãy tự tin lên, bởi có rất nhiều cách để chữa lành vết thương nhanh chóng.
Không hề phức tạp, chỉ cần nàng tuân thủ vài nguyên tắc nhỏ, thay đổi vài thói quen vô thưởng vô phạt, cộng thêm 1 chút chăm chỉ nữa là thành công:
Vệ sinh thường xuyên: Vệ sinh đúng cách là chìa khóa để vết thương sớm lành, đồng thời hạn chế 80% khả năng nhiễm trùng, sẹo lồi. Nàng nên sát khuẩn 3 - 4 lần 1 ngày bằng nước muối sinh lý và tăm bông sạch, kèm theo cồn đỏ trong 10 ngày đầu để vết thương đóng vảy nhanh hơn.
Hạn chế va chạm: Để vết thương chóng lành, đừng tác động vào chúng. Đây là nguyên tắc đơn giản nhưng không phải ai cũng nhớ. Nếu nàng có thói quen sờ lên tai, để tóc dài lòa xòa, ngủ nghiêng 1 bên,... thì hãy tập thay đổi nhé.
Hạn chế hóa chất: Một đôi tai với vết thương mới là đôi tai nhạy cảm nhất. Vậy nên ngoài nước sát trùng, nàng hãy tránh xa các loại hóa chất như xà phòng, sữa tắm, dầu gội, nước bể bơi, thậm chí cả kem dưỡng. Tuy rằng sẽ hơi khó chịu nhưng nàng chỉ cần chịu khó trong vài ngày đầu thôi, đôi tai chắc chắn sẽ cảm ơn nàng nhiều lắm!
3. Xỏ Khuyên Có Cần Kiêng Ăn Gì Không?
Đây cũng là câu hỏi thường gặp nhất trong danh sách 1001 thắc mắc khi xỏ khuyên. 9 người 10 ý, nhìn chung việc xỏ khuyên có nên kiêng ăn không phải phụ thuộc vào cơ địa. Nếu cơ địa bình thường, câu trả lời là nàng không cần ăn kiêng bất cứ thực phẩm nào, thay vào đó hãy tăng cường vitamin, chất xơ, uống nhiều nước, ăn hoa quả và rau xanh để hỗ trợ đề kháng.
Trong trường hợp cơ địa thực sự mẫn cảm, khó lành vết thương, nàng có thể tập hạn chế đồ nếp, thịt gà, trứng, thịt bò, hải sản, rau muống… Tuy nhiên không cần quá thúc ép bản thân mình, hãy quan sát phản ứng cơ thể và điều chỉnh phù hợp.
4. Xỏ Khuyên Bao Lâu Thì Lành?
Tiếp tục là 1 câu hỏi liên quan tới cơ địa. Không có đáp án chính xác cho việc xỏ khuyên bao lâu sẽ lành, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian “dưỡng thương” nếu thực hiện những lời khuyên phía trên.
Thêm vào đó, phụ thuộc vào lỗ xỏ, vị trí xỏ và tay nghề thợ mà thời gian chữa lành cũng sẽ có chênh lệch. Với lỗ xỏ cơ bản, thời gian phục hồi sẽ kéo dài từ 1 tháng tới 3 tháng, trong khi những lỗ xỏ nâng cao có thể mất từ 6 tháng tới 1 năm để hoàn toàn lành lại.
Đừng quá sốt ruột mà tháo khuyên, hãy đeo chiếc khuyên bạn chọn từ khi bắt đầu xỏ cho tới khi cơ thể cho phép thay đổi. Nếu nóng vội, đôi tai bạn sẽ rất dễ biểu tình, điển hình là những phản ứng xảy ra như sưng tấy, chảy mủ thậm chí bị bump. Kiên trì chăm sóc và lắng nghe đôi tai là cách tốt nhất để vết thương nhanh chóng biến mất.
5. Chi Phí Xỏ Khuyên Có Đắt Không?
Không thể phủ nhận việc xỏ khuyên sẽ đắt hơn bấm khuyên do những phức tạp trong lúc thực hiện. Tuy vậy nàng có thể yên tâm rằng chi phí xỏ khuyên vẫn trong tầm giá học sinh, sinh viên, dễ dàng thực hiện bất cứ lúc nào nàng muốn.
Trung bình giá xỏ khuyên sẽ giao động từ 50.000đ - 400.000đ tùy vào vị trí xỏ. Vị trí đơn giản như lobe, helix, double/triple lobe sẽ chỉ tốn của nàng 2 - 3 cốc trà sữa, trong khi conch, flat hay daith tốn tới 2 bữa lẩu bình dân chẳng hạn. Câu trả lời chính xác sẽ được giải đáp khi nàng tới tận địa chỉ xỏ khuyên, bởi uy tín địa chỉ và tay nghề thợ cũng góp phần chi phối giá cả.
6. Nên Chọn Địa Chỉ Xỏ Khuyên Nào?
Có rất nhiều cửa hàng bán trang sức nhận xỏ khuyên, tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng đủ kinh nghiệm để bảo đảm an toàn cho nàng. Hãy đọc feedback thật kỹ trước khi gõ cửa, xem xét các yếu tố như thời gian hoạt động, chứng chỉ hành nghề, người sẽ thực hiện xỏ,...
Tại Hà Nội, nàng có thể ghé qua các địa chỉ chuyên xỏ khuyên như Gauges Piercing, Vịt xỏ khuyên hay Rio Tattoo Studio,... đây đều là các thương hiệu chuyên xỏ khuyên và quy tụ nhiều thợ xỏ chuyên môn cao. Trong khi đó ở Sài Gòn, cơ sở thẩm mỹ Bác sĩ Sinh hay Boheries Saigon là nơi đáng trao gửi niềm tin. Không có gì sai khi chọn địa chỉ xỏ khuyên thật kỹ, bởi bước sàng lọc càng “khó tính” thì khả năng nàng phải đau đầu về vết thương càng thấp.
Hy vọng những giải đáp của Junie đã giúp nàng phần nào trong việc quyết định xỏ khuyên. Và đừng quên ghé qua Junie để sắm những chiếc khuyên mới thật xinh cho lỗ xỏ cá tính của nàng nhé! Chúng mình sẽ luôn ở đây để hỗ trợ nàng bất cứ lúc nào.
Để lại bình luận
Bình luận sẽ được kiểm duyệt trước khi hiển thị.
Trang web này được bảo vệ bằng hCaptcha. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tư và Điều khoản dịch vụ của hCaptcha.